Không chỉ là một con chip xử lý tính toán và đồ họa trên smartphone, chip A11 Bionic còn mang những khả năng xử lý phức tạp hơn nhằm phục vụ cho hàng loạt tính năng mới trên iPhone X.
Cứ mỗi năm Apple lại giới thiệu một thế hệ chip mới do chính hãng phát triển. Chip năm nay có tên A11 Bionic, được tích hợp trên bộ đôi iPhone 8 cùng iPhone X, và chính cái tên đã tiết lộ về những tính năng, công nghệ sinh học mà Apple tích hợp trên con chip mới.
Thiết kế mới giúp cho A11 Bionic mạnh mẽ hơn nhiều so với A10.
Đầu tiên, về mặt kiến trúc thì A11 Bionic là chip 6 lõi, công nghệ 64-bit. Trong số 6 lõi thì có 2 lõi là loại hiệu năng cao, còn 4 lõi là loại tiết kiệm pin. Nó có tổng cộng 4,3 tỉ transitor, 2 lõi hiệu năng cao có tốc độ nhanh hơn chip A10 25%, còn 4 lõi tiết kiệm điện thì nhanh hơn A10 70%. Với bộ điều khiển thế hệ hai, con chip này có thể điều khiển các tác vụ đa nhiệm nhanh hơn 70%.
A11 Bionic cũng là lần đầu tiên Apple sử dụng chip xử lý đồ họa (GPU) do chính hãng thiết kế, sau khi “chia tay” với Imagination Technologies. Apple cho biết GPU trên A11 mạnh hơn 30% so với đời trước, và với cùng tốc độ thì sẽ chỉ tiêu thụ một nửa năng lượng. Con chip này cũng được tối ưu cho các game 3D và nền tảng phát triển Metal 2 của Apple.
Chip xử lý ảnh (ISP) được tích hợp giúp cải thiện khả năng xử lý điểm ảnh, lấy nét thiếu sáng và khử nhiễu tốt hơn. Kết hợp với nền tảng máy học CoreML, đây chính là công nghệ cho phép Apple đưa tính năng giả lập ánh sáng cho khuôn mặt khi chụp ở chế độ chân dung.
Điểm khác biệt lớn nhất trên A11 Bionic là con chip riêng có tên Neural Engine dành cho các tác vụ trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ thuật toán cho máy học (machine learning) và mạng nơ-ron.
Với khả năng xử lý tới 600 tỉ lệnh/giây, con chip này góp phần phân tích và xử lý ảnh nhanh hơn, thực hiện tác vụ “học” khuôn mặt người dùng cho FaceID. Tính năng quét và xử lý khuôn mặt còn được dùng để tạo những emoji động, phỏng theo một cách chính xác hành động của người dùng.