Có một sự thật là con chip 10 nhân của Android vẫn không mạnh bằng chip 2 nhân đến từ Apple. Bạn có biết tại sao lại như vậy? Những mẫu điện thoại Android hiện nay hầu như đều sử dụng chip 8 nhân hoặc thậm chí là 10 nhân với tốc độ xung nhịp rất “khủng”. Tuy nhiên ở trong các bài so sánh hiệu năng thực tế, những con chip này đều phải “ngửi khói” trước tốc độ của những bộ vi xử lý có thông số khá “khiêm tốn” từ Apple với 2 hoặc 4 nhân và tốc độ xung nhịp trung bình. Đâu là nguyên nhân của sự khác biệt này? Bài viết hôm nay sẽ giải thích vì sao chip iPhone luôn mạnh hơn Android mà rất nhiều bạn đọc đang thắc mắc.
- Lịch sử phát triển chip 64 bit
Ai cũng biết Qualcomm đang là nhà sản xuất chip di động lớn nhất hiện nay, số đông điện thoại hay máy tính bảng Android đều sử dụng chip của thương hiệu danh tiếng này. Tuy nhiên Qualcomm đã phải trải qua một “cú sốc” khi Apple giới thiệu bộ vi xử lý di động 64 bit đầu tiên trên thế giới – con chip Apple A7 trên iPhone 5s. Trong khi Qualcomm vẫn đang tự hào với những con chip 32 bit được các hãng tin dùng thì Apple đã đưa nền tảng 64 bit vào thực tế. Để rồi lúc đó đại diện Qualcomm chỉ biết “chế giễu” Apple A7 một cách yếu ớt rằng đây là “mánh khóe marketing” của Apple, mặc dù họ biết rằng đó là thời điểm mà Apple chính thức vượt qua Qualcomm trong lĩnh vực sản xuất chip di động.
Trong khi Apple đã tung ra những chiếc iPhone 5s chạy chip 64 bit thì Qualcomm mới bắt đầu nghiên cứu sản xuất nền tảng này. Sự vội vàng đã khiến cho Qualcomm thất bại với Snapdragon 810 trong năm tiếp theo khi con chip này tuy mạnh nhưng lại cực nóng, kéo theo một loạt máy sử dụng Snapdragon 810 bị người dùng “hắt hủi”. Mãi đến năm 2015 thì Qualcomm mới tung ra con chip 64 bit đầu tiên là Snapdragon 820. Hiệu năng của Snapdragon 820 rất tuyệt vời, nhưng khi đó Apple đã có thế hệ chip 64 bit thứ ba của họ rồi, và đó là Apple A9 trên iPhone 6s. Những cố gắng của Qualcomm trong hai năm là đáng ghi nhận, nhưng không thể san lấp khoảng cách của việc tụt hậu đến tận hai thế hệ
Như vậy có thể nói, Apple đã đi trước Qualcomm khá xa trong việc phát triển chip 64 bit, và đây là con đường hoàn toàn đúng đắn. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Qualcomm vẫn đang ở tư thế là “người đuổi theo” Apple và hiệu năng hoàn toàn thua thiệt nếu đặt cạnh các con chip iPhone cùng đời.
- Tại sao chip của iPhone lại mạnh hơn Android?
Apple là người đi trước trong việc sản xuất chip 64 bit, do đó họ có nhiều lợi thế hơn những nhà sản xuất chip cho Android như Qualcomm. Tuy nhiên Apple còn có các lợi thế lớn khác để con chip iPhone luôn mạnh hơn chip của điện thoại Android cao cấp.
Lợi thế đầu tiên là Apple chỉ phát triển chip cho sản phẩm của họ. Apple có hẳn một lộ trình ra mắt iPhone hàng năm và con chip iPhone/iPad chỉ dành riêng cho điện thoại di động của hãng. Như vậy, sự tương thích giữa phần cứng và phần mềm gần như tuyệt đối, việc phát triển chip sao cho hệ điều hành đạt được hiệu quả tốt nhất cũng dễ dàng hơn. Trong khi đó hãng điện thoại Android sản xuất phần cứng và phần mềm, rồi mới đặt hàng chip Qualcomm. Sự phối hợp này rõ ràng không thể ăn ý bằng Apple. Nhất là việc rất nhiều hãng với nhiều giao diện, phần mềm khác nhau lại sử dụng chung một con chip. Vì thế hiệu năng sẽ không thể được đảm bảo tối đa.
Lợi thế thứ hai là CPU của Apple luôn có diện tích lớn hơn đối thủ. Diện tích CPU lớn giúp cho CPU mạnh hơn. Đồng nghĩa với việc lõi chip Apple sẽ mạnh hơn những Qualcomm, Samsung, MediaTek hay Huawei. Không phải Qualcomm không làm được CPU lớn mà CPU lớn còn kéo theo chi phí sản xuất chip đắt hơn. Qualcomm chỉ là một nhà cung cấp linh kiện, họ cần tối đa hóa lợi nhuận. Các nhà sản xuất điện thoại sẽ không dám mua những bộ vi xử lý quá đắt tiền, đó là lý do Qualcomm không mạo hiểm để sản xuất những CPU diện tích lớn. Apple thì ngược lại, nếu chi phí chip iPhone lớn thì họ đơn giản chỉ cần tăng giá iPhone, và người dùng vẫn chấp nhận mua ở những mức giá “cắt cổ”.
Bộ nhớ đệm (cache) lớn là một lợi thế khác của Apple. Hãng luôn sử dụng các bộ nhớ đệm đắt tiền và có kích thước lớn cho chip iPhone. Như Apple A11 Bionic sử dụng bộ nhớ đệm L2 kích thước 8MB trong khi Qualcomm Snapdragon 835 chỉ là L2 2MB mà thôi. Bộ nhớ đệm lớn sẽ giúp máy xử lý được số lượng lớn dữ liệu hơn, ngăn chặn hiện tượng “thắt cổ chai”. Lại một lần nữa phải nói đến việc Apple được thoải mái bán sản phẩm của mình với mức giá đắt, nên họ không tiếc gì cho chi phí bộ nhớ đệm trên con chip iPhone.
Bạn có biết tại sao những con chip iPhone có xung nhịp thấp nhưng hiệu năng rất cao không? Lý do là Apple sản xuất chip theo cách sử dụng cấu trúc đường ống lệnh (pipeline) lớn. Các nhà sản xuất khác sử dụng pipeline hẹp và xung nhịp cao, còn Apple là pipeline rộng và xung nhịp thấp. Hãy tưởng tượng nếu bạn dùng một máy bơm nước công suất lớn nhưng bơm qua đường ống hẹp và dùng một máy bơm công suất nhỏ hơn bơm qua đường ống rộng thì hiệu quả cách nào cao hơn. Đó chính xác là điều mà Apple đang làm.
- Kết luận
Chúng ta có rất nhiều điều để “chê” iPhone, đó có thể là thiết kế ít thay đổi; không trang bị thẻ nhớ; chỉ có một SIM trong khi mức giá lại đắt đỏ. Tuy nhiên có một sự thật không thể chối cãi là những con chip iPhone rất mạnh và độ mượt mà đến khó tin. Điều này chỉ có khi sử dụng bạn mới cảm nhận được và nó là một trong những lý do lớn để iPhone luôn có lượng khách hàng trung thành. Sẽ là một chặng đường dài và khó khăn cho các hãng điện thoại khác nếu muốn vượt qua được hiệu năng của iPhone.